Hôm nay (16-9), tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được khởi công xây dựng.
Hoàn thành năm 2021
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư, cho biết tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn khoảng 7.699 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỉ đồng. Toàn tuyến dài hơn 98 km, đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (hơn 37 km) và Thừa Thiên - Huế (61 km). Điểm đầu của dự án tại Km0 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km102+200 thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế (trùng với điểm đầu dự án thành phần La Sơn - Túy Loan).
Trong giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, riêng các đoạn vượt có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m; vận tốc thiết kế 80-100 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m.
Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Đến nay, điều kiện để thi công dự án đã cơ bản hoàn tất. Tại tỉnh Quảng Trị, dự án đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà. Diện tích bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án khoảng 205 ha, chủ yếu là đất rừng, đất ở nông thôn và một số loại đất khác. Theo thống kê, trên toàn tuyến qua tỉnh Quảng Trị có 27 ngôi nhà bị ảnh hưởng, phải tiến hành bố trí tái định cư. Đến thời điểm này, công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án đi qua 4 huyện, thị xã gồm Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc. Để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả và bố trí, xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo UBND huyện Phong Điền, dự án đi qua địa bàn huyện có tổng chiều dài 23,8 km, tổng diện tích thu hồi khoảng 149,59 ha với 760 đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có 5 tổ chức và 755 hộ gia đình. Huyện đang tiến hành chi trả, bồi thường cho các trường hợp bị ảnh hưởng về mồ mả và chi trả đợt 1 về đất nông nghiệp cho 370 hộ dân. "Chúng tôi đang gấp rút triển khai khâu giải phóng mặt bằng để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Khoảng vài tháng nữa, huyện sẽ hoàn thành việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, bảo đảm đúng kế hoạch đã đề ra" - lãnh đạo UBND huyện Phong Điền khẳng định.
Ông Lâm Văn Hoàng cho rằng khi hoàn thành, dự án Cam Lộ - La Sơn cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, tiếp cận với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của Quốc lộ 1 trong trường hợp tuyến đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần tạo động lực phát triển cho cả miền Trung.
Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ nối với đoạn La Sơn - Túy Loan (sắp hoàn thành) để hợp thành tuyến Cam Lộ - La Sơn - Túy LoanẢnh: QUANG TÁM
Sẵn sàng cho 10 dự án còn lại
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 thông qua chủ trương đầu tư "Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020".
Theo đó, giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư xây dựng 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư của dự án theo phê duyệt của Bộ GTVT là 102.514 tỉ đồng, gồm 51.702 tỉ đồng vốn BOT và 50.812 tỉ đồng vốn nhà nước.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến cuối tháng 10-2018, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, với tổng chiều dài 654,3 km.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP - Bộ GTVT), cho biết dự án được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Trong 3 dự án đầu tư công, ngoài dự án Cam Lộ - La Sơn còn có dự án Cao Bồ - Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 xây dựng cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu, phần cầu chính vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Vĩnh Long. Cầu sẽ nối thông với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối nối với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao đầu tuyến Quốc lộ 80. Toàn tuyến đường và cầu chính dài khoảng 6,6 km. Cầu Mỹ Thuận 2 thiết kế rộng 6 làn xe, phần đường dẫn vào cầu được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn trước mắt 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2019.
Tám dự án PPP, loại hợp đồng BOT bao gồm: Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63 km; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43 km; Nghi Sơn - Diễn Châu (Nghệ An) dài 50 km; Diễn Châu - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) dài 50 km; Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) dài 29 km; Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) dài 91 km; Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 106 km; Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 98 km.
Các bước chuẩn bị cho 10 dự án thành phần đã và đang gấp rút thực hiện để kịp triển khai theo lộ trình từ năm 2020.
Đã có 60 nhà đầu tư tham gia 8 dự án thành phần
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm này, 8/8 dự án thành phần đã mở thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư với 60 nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia. Theo lộ trình dự kiến, từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2020, Bộ GTVT phát hành hồ sơ mời thầu. Từ tháng 1 đến tháng 2-2020, đánh giá hồ sơ mời thầu và đến tháng 3-2020, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Tất cả dự án này sẽ được triển khai ngay sau khi ký kết hợp đồng, dự kiến vào tháng 4-2020.
Vai trò, ý nghĩa rất quan trọng
Gần 2 năm qua, kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, người dân kỳ vọng từng ngày về công trình mang tầm vóc quốc gia được hình thành. Với việc khởi công dự án Cam Lộ - La Sơn, người dân trong khu vực hết sức vui mừng. Anh Nguyễn Doanh, tài xế xe tải chạy tuyến Quảng Trị - TP Đà Nẵng, bày tỏ: "Thông thường, từ Quảng Trị vào TP Đà Nẵng mất khoảng 5 giờ. Khi đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành, chắc chắn thời gian sẽ được rút ngắn. Cánh tài xế chở hàng hóa chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì tới đây không còn mất nhiều thời gian di chuyển như trước".
Ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, cho rằng không chỉ rút gắn thời gian di chuyển cũng như giảm tải lưu lượng xe trên Quốc lộ 1, dự án còn hỗ trợ, phát huy hiệu quả tuyến vận tải thuộc dự án Hành lang Đông - Tây, nhất là khi tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh ở phía Tây gặp sự cố. Còn theo ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương. Khi dự án hoàn thành chắc chắn sẽ tạo động lực khơi dậy tiềm năng kinh tế ở vùng đất phía Tây và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa từ tỉnh Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng.
Đ.Nghĩa
Theo Văn Duẫn-Đức Nghĩa
NLĐ