Văn phòng Chính phủ ngày 19/2 có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục ( Quảng Ninh ). Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Trên cơ sở thẩm định, UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.
Được biết, Dự án có chiều dài toàn tuyến 2.750 m, kết nối hai phường Bãi Cháy và Hạ Long, Tp. Hòn Gai, với điểm nhấn là 1 hầm dìm được xây dựng tại vị trí cách cầu Bãi Cháy 800 phía hạ lưu. Điểm nhấn quan trọng tại Dự án này là hầm vượt eo Cửu Lục là hầm vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, thép, bê tông cốt thép dự ứng lực; hoạt tải thiết kế HL93, động đất cấp 7 (thang MSK -64); tĩnh không hầm 4,75m; quy mô 6 làn xe cơ giới với mặt cắt ngang tại cửa hầm 50,5 m, mặt cắt ngang dìm lf 32,6 m.
Hầm được trang bị hệ thống cơ điện hiện đại gồm hệ thống thông gió; phòng cháy, chữa cháy; hệ thống giao thông thông minh; tháp thông gió, nhà điều hành hầm...
Tổng mức đầu tư Dự án là 9.781 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 6.084 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2019 đến năm 2024.
Dự kiến, tuyến đường mới qua vịnh Cửa Lục đóng vai trò là tuyến đường đô thị đi thấp, kết nối giao thông nội đô Tp. Hạ Long với thành phần phương tiện phục vụ là xe con, xe du lịch, xe máy. Các loại xe tải, xe khách đường dài, container sẽ điều tiết qua cầu Bãi Cháy.
Trước đó, đại diện 3 đơn vị tư vấn gồm: Công ty Nippon Koei (Nhật Bản); Công ty CP FECON và Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải đã đưa ra các phương án có thể triển khai như: phương án đầu tư xây dựng cầu, phương án hầm khoan TBM và phương án hầm dìm. Từ đó đưa ra các đánh giá, so sánh và nhận định gắn với các điều kiện thực tế khách quan tại vị trí dự kiến triển khai công trình.
Tuy nhiên, phương án hầm dìm được các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghệ thi công cầu, hầm đánh giá cao, đặc biệt phần hầm dìm dưới nước chỉ dài 600m, công tác thi công thuận lợi, chống thấm tốt, mặt bằng nhỏ, không tác động đến việc khai thác của cảng Cái Lân, kết nối giao thông tốt, hiệu quả kinh tế…
Về phía tỉnh, sau khi xem xét các phương án được đề xuất, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao phương án của các đơn vị tư vấn đề xuất. Tuy nhiên, tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng từ đó đưa ra các phương án khả thi nhất. Thông qua các phương án, địa phương sẽ thống nhất tập trung nghiên cứu phương án thiết kế hầm thay vì phương án cầu.
Quảng Ninh lưu ý các phương án cần nghiên cứu kỹ vị trí điểm đầu và điểm cuối tuyến hầm nối bên bờ; đảm bảo hài hòa các yếu tố về địa chất, kỹ thuật, gió; đồng thời, quan tâm đến mặt bằng thi công, kiểm soát chất lượng cũng như đảm bảo tiến độ dự án; phương án khai thác, quản lý hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong quá trình thi công cần đảm bảo điều tiết giao thông, môi trường Vịnh Hạ Long.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, công tác chuẩn bị triển khai hầm Cửa Lục đang được đơn vị tích cực thực hiện. Nếu thủ tục pháp lý hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2018, dự kiến hầm Cửa Lục sẽ khởi công vào quý II/2019.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế