Thị trường bất động sản 2019 sẽ đan xen cơ hội và thách thức.
Tại một hội thảo về bất động sản mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng,đã khẳng định: "Cách đây hơn 1 năm, chúng ta từng dự báo có khả năng bùng nổ bong bóng bất động sản, nhưng cũng đi kèm với một nhận định là Việt Nam sẽ kiềm chế được điều này, vì kiểm soát vĩ mô tốt hơn. Và quả thật, năm vừa rồi chúng ta làm rất tốt".
Theo ông, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, luồng vốn FDI vào bất động sản vẫn tăng mạnh. Hệ quả là tồn kho bất động sản xuống thấp nhất sau nhiều năm. Cụ thể, tính đến tháng 11/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản tại Việt Nam chỉ còn tương đương gần 1 tỉ USD, và so với lúc đỉnh điểm tồn kho ở quý 1/2013 thì đã giảm mạnh tới 105.572 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng thị trường bất động sản 2018 có thăng trầm, có lúc gây xáo động cho nhiều người. Điều này được ông dẫn chứng ở những sự kiện tiêu biểu như vụ sốt đất tại các vùng dự kiến lên đặc khulà Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc; vụ cháy chung cư Carina tại TP.HCM dẫn đến thay đổi hàng loạt chính sách; sự sôi sục của thị trường đất nền vùng ven TP.HCM hay sự lên ngôi của phân khúc văn phòng. Cùng với đó là hàng loạt chính sách có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản như Nghị định 20 áp trần chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp, hạn chế việc đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng ở các khu vực trung tâm…
Đánh giá về thị trường 2018, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng năm 2018, thị trường được kiểm soát tốt, dòng vốn đầu tư rõ hơn, làm thay đổi cơ cấu đầu tư sản phẩm trên thị trường.
“Nhìn chung, năm qua chính sách có nhiều điểm rõ ràng, minh bạch hơn tạo nên sự bền vững cho thị trường. Điển hình là việc Chính phủ đã quan tâm và đưa ra chỉ thị về quản lý, vận hành nhà chung cư”, ông Khởi nhận định.
Trong khi đó, tại báo cáo "Tình hình thị trường bất động sản năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, bền vững" công bố ngày 23/12, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, giải phóng mặt bằng đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trên thị trường bất động sản và cũng là một nguyên nhân làm sụt giảm số lượng các dự án nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiện nay, trên cả nước có đến hàng ngàn dự án treo, riêng Hà Nội có 383 dự án, TP.HCM có 211 dự án chậm triển khai, để hoang hoá. “Nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng nguồn lực để phối hợp với chính quyền đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, giải cứu những dự án treo gây lãng phí hàng chục năm, nhưng cuối cùng vẫn bị mắc kẹt ở khâu giải phóng mặt bằng”, ông Châucho biết.
Dự báo về thị trường bất động sản năm 2019, ông Châu cho rằng, thị trường sẽ đan xen giữa thách thức và cơ hội. Cụ thể, năm 2018, thị trường sụt giảm nguồn cung, nên tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2019, và thị trường sẽ chứng kiến sự mất cân đối cung-cầu, dẫn đến sự lệch pha sản phẩm giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp.
“Phân khúc Nhà ở xã hội năm 2018 chưa triển khai được mạnh do nhiều vướng mắc. Từ 2019, việc tiếp cận vốn tín dụng của các dự án bất động sản sẽ được quản lý chặt chẽ hơn”, ông Châu nhận định.
Từ góc độ một doanh nghiệp luôn có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cho rằng thị trường 2019 vẫn có chiều hướng ổn định và chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng. Bởi lẽ chúng ta có sự tích luỹ từ năm 2018 và sự gia tăng mạnh mẽ của các quỹ nước ngoài. Cùng với đó, bên cạnh bất động sản thương mại thông thường, phân khúc nghỉ dưỡng tiếp tục có nhiều tiềm năng phát triển.
“Khi chúng tôi đưa ra thị trường các dự án nghỉ dưỡng, thì sự quan tâm từ nhà đầu tư là rất lớn”, bà Dung thông tin.
Còn theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam tại Hà Nội, tin rằng thị trường bất động sản năm 2019 phụ thuộc ở sản phẩm, xu hướng thị trường sẽ đi ngang nhiều hơn.
“Tôi cho rằng, bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô như thế nào, nhu cầu nhà ở của người Việt Nam vẫn rất cao. Vấn đề là các nhà đầu tư sẽ cung cấp những sản phẩm bất động sản như thế nào để phù hợp với nhu cầu của người mua”, ông Quang nói.
Ông Quang cho biết, tổng số căn hộ chung cư được cung cấp từ 2010 đến nay là 600.000 căn, trong đó Hà Nội hơn 200.000 căn. Với mẫu số trung bình giai đoạn này 80 triệu dân thì tỉ lệ đó là thấp.
“Điều đó cho thấy nhu cầu là có, quan trọng là nhà đầu tư hãy làm cho người tiêu dùng có khả năng chi trả. Thị trường sẽ vẫn nên tập trung vào phân khúc Nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp”, ông Quang nhấn mạnh.